Ngày 11/11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh và trực tuyến tại Hà Nội.
Chủ tọa điều hành hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS Hà Văn Minh, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu. Gia tài Nguyễn Đình Chiểu để lại đặc biệt đa dạng và độc đáo. Có thể coi ông là tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ khi ra đời đã trở thành món ăn tinh thần quý báu của nhân dân Nam bộ và dần trở thành di sản có ý nghĩa bản sắc của lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam. Dấu ấn văn chương, tầm vóc tư tưởng và tài năng, nhân cách của ông ngày càng được thế giới biết đến và phổ biến rộng rãi.
Những gợi mở từ cuộc đời, nhân cách và di sản Nguyễn Đình Chiểu có biên độ và chiều sâu rộng lớn, nếu không muốn nói là vô hạn. Việc tiếp tục tìm tòi tư liệu và khám phá những ý tưởng nghiên cứu mới về di sản Nguyễn Đình Chiểu luôn đặt ra cấp bách đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Công tác nghiên cứu di sản và nhiệm vụ chuyển vận các giá trị Nguyễn Đình Chiểu cho hiện tại và tương lai đã có nhiều thành tựu.
Nội dung các tham luận được trình bày tại hội thảo phong phú, làm mới và làm dày thêm cơ sở vững chắc để khẳng định tầm vóc thời đại có tính biểu tượng cho lịch sử và văn hóa Việt Nam: biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, gồm những nghiên cứu mới về cuộc đời và sự nghiệp của ông; thành tựu biên định, khảo thuật di sản Nguyễn Đình Chiểu khẳng định chân dung bậc danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, được tổ chức văn hóa – giáo dục Liên hiệp quốc vinh danh; phân tích thông tin di văn, nhận định về đóng góp có giá trị nhiều phương diện của di sản Nguyễn Đình Chiểu, như: văn hóa chính trị, văn hóa bang giao, gia tài văn học… có tính dấu mốc của Nguyễn Đình Chiểu. Dấu mốc, bước ngoặt hay đỉnh cao là những thuật ngữ/ khái niệm mà giới nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam chỉ dành cho những tác gia đã hóa thân vào non sông đất nước này.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu dự hội thảo tại điểm cầu Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Một nhóm nội dung rất ý nghĩa được trình bày ở hội thảo này đáng kể đến là nghiên cứu văn bản học và phát hiện mới, công bố tư liệu mới về di sản văn chương Nguyễn Đình Chiểu; tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài. Các nghiên cứu mới này giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và sự vận hành của đời sống văn hiến Việt Nam trong một thời đoạn có bước chuyển lớn về văn tự và ngôn ngữ văn chương dân tộc nói chung.
Đặc biệt, liên quan đến giải pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường, một số chuyên gia đã đề xuất những hướng tiếp cận mới về Nguyễn Đình Chiểu, góp phần cụ thể, thiết thực vào việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm cũng như với công cuộc đổi mới dạy học ngữ văn. Các ý kiến góp phần đổi mới và mở rộng cách tiếp cận của khoa học xã hội và nhân văn đối với một hiện tượng văn hóa, văn học cổ; đồng thời từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ngữ văn liên quan đến di sản Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường các cấp. Bên cạnh đó bàn giải, thảo luận về một trong những khía cạnh trung tâm của công tác dạy học tác phẩm văn học ở nhà trường phổ thông cũng như trong công tác chuyên môn ở các trường đào tạo ngôn ngữ và văn học.
Trưng bày thư pháp về Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu bên lề hội thảo. |
Qua các tham luận tại hội thảo, các đại biểu một lần nữa khẳng định: Dù với một tác gia lớn vốn quen thuộc và đã có một bề dày nghiên cứu – dạy học hơn một thế kỉ nay nhưng vẫn còn nhiều vấn đề học thuật và sư phạm về Nguyễn Đình Chiểu cần tiếp tục được đào sâu, mở rộng cả về nguồn tư liệu cũng như quan điểm tiếp cận, đánh giá, kiểm định./.