Các đại biểu thực hiện nghi thức đổi tên Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn TP Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp (Ảnh:thanhuytphcm) |
Hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách Mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, ngày 23/8, UBND TP Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức lễ đổi tên xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức), theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X.
Tại buổi lễ, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Trần Hải Yến công bố Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND TP Hồ Chí Minh về việc đổi tên Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh thành đường Võ Nguyên Giáp.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu ôn lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Chứng kiến cảnh đồng bào bị bóc lột bởi thực dân và tay sai, đồng chí đã sớm nung nấu tinh thần cách mạng và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những đóng góp quan trọng vào công cuộc thống nhất đất nước. Trong đó phải kể đến cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975…
Sau ngày non sông thu về một cõi, Đại tướng tiếp tục cùng góp công xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đổi mới đất nước Việt Nam.
Kể từ ngày 23/8, xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn) chính thức mang tên đường Võ Nguyên Giáp. Sự kiện này càng ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2023).
“Việc đổi tên xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp sẽ hình thành một trục đường xuyên suốt xa lộ Hà Nội – Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, tạo sự gắn kết lịch sử với nhân vật lịch sử. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân”- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho hay.
Đổi tên xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn TP Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Dũng Phương) |
Thay mặt gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Võ Hạnh Phúc phát biểu bày tỏ niềm xúc động, sự trân trọng đối với những tình cảm quý mến của các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều năm qua.
“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những năm tháng chiến tranh cũng như những ngày hòa bình, tình cảm sâu đậm, sắt son của đồng bào, đồng chí TP Hồ Chí Minh và cả miền Nam luôn là điểm tựa của cuộc đời, in sâu trong tâm trí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những năm sau khi đất nước thống nhất, TP Hồ Chí Minh luôn là mối quan tâm của Đại tướng về sự phát triển kinh tế, khoa học, xã hội, cũng như tình cảm gắn bó với các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các nhà trí thức và đặc biệt với nhân dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào miền Nam nói chung” – Bà Võ Hạnh Phúc xúc động nói./.