Top 20 doanh nghiệp Báo cáo thường niên tốt nhất tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 17 – năm 2024. (Ảnh: VN) |
Trong mọi nền kinh tế, niềm tin là yếu tố sống còn đối với sự vận hành của thị trường chứng khoán (TTCK). Sự minh bạch trong công bố thông tin (CBTT) không chỉ giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định chính xác mà còn đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của thị trường. Đây cũng là lý do các quốc gia có TTCK phát triển đều coi minh bạch là nền tảng để duy trì dòng vốn dài hạn và thu hút nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, mặc dù các quy định về CBTT đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, thực tế triển khai vẫn tồn tại nhiều bất cập. Tháng 11/2024, hàng loạt doanh nghiệp đã bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vì vi phạm quy định CBTT. Điển hình, Công ty cổ phần In Hospitality và Công ty cổ phần Xử lý rác thải và năng lượng EU bị phạt vì không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố các báo cáo tài chính định kỳ và tình hình sử dụng vốn.
Những vi phạm này không chỉ phản ánh sự thiếu trách nhiệm trong tuân thủ quy định mà còn đặt doanh nghiệp vào thế bất lợi. Một doanh nghiệp chậm trễ hoặc không minh bạch thông tin có thể phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy: giá trị cổ phiếu giảm mạnh, khó huy động vốn, mất niềm tin từ nhà đầu tư và khách hàng.
Trên phạm vi rộng hơn, các vi phạm CBTT còn làm xói mòn niềm tin của thị trường, cản trở dòng vốn dài hạn từ cả trong và ngoài nước, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Điều đáng nói là tình trạng vi phạm CBTT không chỉ phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang gặp khó khăn tài chính, mà còn xuất hiện ở những doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn coi việc minh bạch thông tin là một yêu cầu đối phó thay vì trách nhiệm lâu dài.
Thực tế này phản ánh một vấn đề văn hóa trong quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thay vì minh bạch để tìm kiếm sự đồng cảm và hỗ trợ từ nhà đầu tư, họ lại chọn cách che giấu thông tin, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là lý do các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát và áp dụng các chế tài nghiêm minh, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng văn hóa minh bạch trong doanh nghiệp.
Theo Thông tư 68/2024/TT-BTC, từ năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ phải CBTT định kỳ bằng tiếng Anh. Đây là bước tiến lớn trong nỗ lực chuẩn hóa TTCK Việt Nam, giúp tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng khả năng thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh bạch thông tin mang lại nhiều lợi ích rõ ràng. Với doanh nghiệp, việc CBTT đầy đủ và đúng hạn không chỉ nâng cao uy tín mà còn giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện để mở rộng thị trường và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế. Với nhà đầu tư, minh bạch là cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư an toàn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để triển khai lộ trình này, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn đang gặp khó khăn trong quản trị và tài chính – sẽ phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân sự và cải thiện quy trình quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Đây là một gánh nặng lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn như hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở đầu tư công nghệ, việc thực hiện CBTT bằng tiếng Anh còn đòi hỏi sự thay đổi tư duy quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Từ thói quen làm việc thiếu chuyên nghiệp, đối phó với các yêu cầu pháp lý, doanh nghiệp phải chuyển sang xây dựng tư duy tuân thủ và minh bạch – những yếu tố mà thị trường toàn cầu coi là tiêu chuẩn cơ bản.
Năm 2024, TTCK Việt Nam đối mặt với nhiều biến động. Chỉ số HNX-Index giảm 1,6% so với cuối năm 2023, giá trị giao dịch bình quân giảm gần 7%, và nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Những con số này không chỉ phản ánh áp lực của thị trường mà còn cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang chịu tổn thương từ các yếu tố nội tại và ngoại cảnh.
Trong bối cảnh đó, minh bạch thông tin trở thành yếu tố cốt lõi để củng cố niềm tin từ nhà đầu tư, ổn định tâm lý thị trường và tăng cường sức hấp dẫn của TTCK. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia có TTCK phát triển đều coi minh bạch là nền tảng thu hút dòng vốn dài hạn và duy trì sự phát triển bền vững.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN, nhấn mạnh: “Minh bạch thông tin không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cổ đông và cộng đồng đầu tư.” Đây chính là chìa khóa để TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn, đảm bảo tính công bằng và thúc đẩy sự phát triển lâu dài.
Để hiện thực hóa lộ trình CBTT bằng tiếng Anh, cần sự chung tay của nhiều bên. Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, cải thiện quy trình CBTT và xây dựng chiến lược tuân thủ dài hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để vượt qua các rào cản ban đầu.
Về phía cơ quan quản lý, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường giám sát và áp dụng chế tài nghiêm minh là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, cần song hành với các chương trình hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ CBTT.
UBCKNN có thể đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ, từ việc cung cấp hướng dẫn thực hiện quy định, tạo các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp, đến thiết lập các công cụ công nghệ giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quy trình CBTT.
Minh bạch không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là nền tảng để xây dựng một thị trường phát triển bền vững. Với doanh nghiệp, đây là cơ hội để nâng tầm vị thế và mở rộng cánh cửa ra thế giới. Với cơ quan quản lý, đây là công cụ để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và sức hấp dẫn của thị trường.
Một TTCK minh bạch không chỉ là nơi giao dịch tài sản mà còn là biểu tượng của sự tin cậy và chất lượng. Khi minh bạch trở thành tiêu chuẩn cốt lõi, TTCK Việt Nam không chỉ nâng hạng mà còn khẳng định vị thế là một điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các dòng vốn quốc tế.
Mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đích đến, mà còn là con đường để Việt Nam khẳng định vai trò trên bản đồ tài chính khu vực. Và trên con đường đó, minh bạch thông tin chính là giá trị cốt lõi để thị trường phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế./..