Phong tục lì xì cũng là nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. |
Lì xì nét văn hóa đặc sắc
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về lòng người lại xốn sang tiễn năm cũ đón năm mới với nhiều nét đẹp văn hóa ngày Tết và phong tục lì xì cũng là nét đẹp ấy. Theo truyền thống, sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn Tết. Trẻ nhỏ trao cho người lớn những lời chúc tốt đẹp. Ông bà, cha mẹ thì gửi đến trẻ trong nhà những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Đây được xem như là phong tục chẳng thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền Việt.
Phong tục lì xì ngày Tết xuất hiện từ rất xưa tại Trung Hoa và cũng có rất nhiều câu chuyện giải thích về sự ra đời của phong bao lì xì này. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu an. Từ đó tục lì xì vào ngày Tết ra đời.
Ngày nay tục lì xì ngày Tết rất phổ biến ở những quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,… Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Do đó, người nhận không mở phong bao trước mặt người tặng.
Theo phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng một, các gia đình người Việt tụ họp đông đủ với nhau cùng thắp nén hương lên tổ tiên, cùng vui đùa ăn uống chúc mừng năm mới.
Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà người lớn muốn gửi đến trẻ.
Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì con cháu của mình.
Ngoài ra tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa. Chỉ cần là người đã đi làm, có thu nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà rồi. Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau.
Tranh cãi tục lì xì
Qua thời gian, ý nghĩa phong bao lì xì cũng dần mất đi những nét đẹp vốn có của nó. Đó là khi mà giờ đây tác động tiêu cực nền kinh tế thị trườngđến từng ngõ ngách đời sống xã hội câu chuyện lì xì lại được mang ra tranh cãi, bàn tán.
Có quan điểm nên bỏ phong tục lì xì đầu năm mới cho rằng: “Nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người”, “vì tiền lì xì mà nhiều người không dám đi thăm bạn bè, vì tiền lì xì không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê. Lì xì đúng là cái nợ! Phải làm sao để thoát ra”.
Quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng “Lì xì là cái nợ” lập tức trở thành nhận định gây sốc và xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng xã hội khiến cư dân mạng xôn xao bàn tán những ngày gần đây, khi Tết Nguyên Đán càng lúc càng đến gần.
Nhiều người thường đặt câu hỏi “lì xì bao nhiêu là đủ?”. Điều đó đặt nặng vấn đề vật chất hơn là về vấn đề tinh thần. “Lì xì đầu năm là để xin vía may mắn nhưng nhiều người đặt nặng chuyện này vô cùng, làm tâm lý người lì xì cũng căng thẳng theo, nhét tờ polime vào bao lại phải đắn đó suy nghĩ bao nhiêu thì đúng, ít quá không được mà tài chính thì có hạn”. Do vậy “nhiều người sợ Tết vì vậy, có phải năm nào cũng làm ăn suôn sẻ đâu. Đó không phải cho lộc nữa, mà là cái nợ thật sự”.
Đồng quan điểm một số cư dân mạng cho biết: “Hồi chưa có chồng thì mình không quan tâm lắm, nhưng kết hôn rồi, đến Tết cũng hơi áp lực vì tiền. Lì xì mình không tiếc nhưng sợ ít quá thì không được, có người chỉ lì xì thôi mà “bay” luôn cả tháng lương ấy”.
Lì xì chỉ trở nên xấu xí, khiến “lòng người nặng trĩu” khi người ta gán vào nó những cơ hội, những thước đo, đánh giá nhiều/ít, giàu/nghèo mà quên đi, làm mất đi bản chất thật sự của nó.
Trẻ con sẽ không xé bao lì xì xem ruột ngay trước mặt khách rồi thất vọng nói “chỉ có 20 nghìn” hay màn tổng kết “năm nay con được lì xì nhiều hay ít”.
Sẽ không có sự so sánh, chê bôi nếu chính người lớn chúng ta bớt đi những câu đùa như Tết đến trẻ con là “trụ cột”, là “nguồn thu nhập chính”, hay “cần đi câu” của bố mẹ.
Bên cạnh những người không thích phong tục lì xì thì vẫn còn những người muốn giữ lại. Nhiều người lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân về phong tục truyền thống đặc trưng ngày Tết này. Một số người dù tin rằng lì xì đang trở thành áp lực vô hình đối với nhiều người nhưng vẫn bày tỏ không muốn tập tục này mất đi cùng với phần ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Một người bảy tỏ: “Mình vẫn thích nhận phong bì màu đỏ vào dịp Tết. Quan trọng là lì xì lấy may, lấy lộc, một câu chúc cũng vui. Thấy bao đỏ thì em nhỏ cũng mừng mà”.
Một số người khác lên tiếng tán thành: “Lì xì đầu năm là lộc may mắn mà, trẻ em rất thích, có nhiều thì cho nhiều, ít thì cho ít có gì đâu mà nặng nề”, “Có người này người kia. Có người vẫn coi lì xì như lộc, có là vui rồi. Riêng mình, ai thái độ thì thái độ chứ mình lì xì theo kinh tế của mình”.
Không ít cư dân mạng tin rằng lì xì là lộc, là nét văn hóa đẹp nên gìn giữ và có giải pháp: “Mình chuẩn bị bao lì xì mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng… đến 200 nghìn đồng, đến ai người đó rút. Vì là lộc nên may thì được nhiều, ít may hơn thì được ít, vừa đỡ áp lực vừa có lì xì”.
Mở rộng câu chuyện từ tranh cãi nên gìn giữ văn hóa lì xì ngày Tết hay phải tìm cách “thoát ra” khỏi “cái nợ” ấy càng sớm càng tốt cho lòng người ngày Tết đỡ nặng nề, số đông cho rằng: Bản chất của lì xì là một nét văn hóa đẹp, là chút lộc may mắn đầu năm chúng ta mang đến cho nhau cùng câu chào, lời chúc. Lì xì đầu năm cũng là nỗi háo hức mong chờ của bọn trẻ. Trong mỗi con người, lì xì đều là phần ký ức đẹp đi liền với ngày Tết từ thời ấu thơ.
Hãy để việc lì xì được trong sáng, tự nhiên, đúng như ý nghĩa ban đầu của nó là mang niềm vui, chút lộc may đến tất cả mọi người vào ngày đầu năm mới.
Dù mệnh giá bao lì xì là bao nhiêu thì phong bao lì xì vẫn luôn giữ vững ý nghĩa vốn có của nó chính là mong muốn người nhận gặp thật nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe trong năm mới.
Hiện nay bao lì xì cũng không chỉ còn là màu đỏ hay vàng truyền thống mà còn có thêm nhiều mẫu mã phù hợp với sở thích của mỗi người.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam./.